HÀNH TRÌNH

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 19,3-9.

 

          Hôm nay những người biệt phái muốn gài một cái bẫy về hôn nhân và hy vọng rằng Chúa Giêsu sẽ phải một phen bể mặt. Họ đến hỏi thử Chúa Giêsu :”Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không”(Mt 19,3) ? Tại sao người biệt phái lại hỏi Chúa Giêsu như vậy ?  Để trả lời, chúng ta phải chú ý tới hai điểm :

          - Luật phép Do thái thời đó chỉ nhận sáng kiến ly dị  của người chồng mà thôi.

          - Có hai lập trường chống đối nhau về vấn đề ly dị.

 

          Theo luật Maisen thì được phép ly dị (Đnl 24,1-4). Nhưng không xác định lý do ly dị, vì thế có sự bất đồng giữa những người theo phái phóng khóang và phái nghiêm khắc. Lập trường của phái Hillel thì rất rộng, cho phép ly dị một cách dễ dàng, như khi người vợ nấu một món ăn không ngon, cũng đủ lý do để ly dị. Còn phái Shammai thì nghiêm khắc, khắt khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong ít trường hợp như khi người vợ ngọai tình.

 

          Biệt phái biết vấn đề này gay go đem ra gài bẫy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài chỉ trả lời bằng cách trưng hai đọan trong sách Sáng thế (St 1, 27 và 2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khóat là không được ly dị :”Sựï gì Thiên Chúa đã phối hợp, lòai người không được phân ly”.

 

          Biệt phái còn dựa vào một câu trích trong sách Đệ nhị luật (Đnl 24,1) để nói rằng ông Maisen đã cho phép ly dị vợ với điều kiện phải viết chứng thư  đưa cho người vợ bị ly dị.  Nhưng Chúa Giêsu cho biết : bản chất của nó  không phải là thiết lập nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hòan cảnh  dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Chúa. Vì thế Ngài nói :”Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen mới cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có như thế đâu” (Mt 19,8).

 

          Điều này cho thấy rằng con người vì ích kỷ, nghĩa là đặt sự thỏa mãn của lòng mình trên hết, trên cả ý muốn của Thiên Chúa nữa, nên họ đã bất trung với Chúa. Và vì vậy, họ bất trung với nhau trong đời sống hôn nhân.

 

II. TỪ NGỮ LÀ VÀ TRỞ NÊN.

 

          Tôi học tiếng Anh từ lâu, lúc ở trung học và đại học. Mấy chục năm nay không dùng đến nên đã quên rất nhiều.  Hôm nọ thầy Nguyễn mạnh Sơn dạy tiếng Anh cho một số em trong giáo xứ, tôi thấy các em học động từ TO BE.

 

          Hôm qua, tôi tình cờ đọc thấy trên một tấm ảnh cưới có câu này bằng tiếng Anh, trích trong Phúc âm theo thánh Matthêu:”For this cause a man shall leave his father and mother, anh cleave to his wife, and the two shall become one flesh” (Mt 19,5) ; Vì vậy người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và luyến ái vợ mình, và cả hai trở nên một thân xác. Trong câu này tôi thấy Chúa Giêsu không dùng động từ TO BE (là), màø lại dùng TO BECOME (trở nên).

          Đúng thế, quen quá rồi. Nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng vì quá quen, ta không hiểu được đúng nội dung Lời Chúa. Ta cứ nghĩ NÊN MỘT có nghĩa là  khi kết hôn, lập tức hai vợ chồng LÀ một, THÀNH một. Nhưng không phải thế. Không phải LÀ (to be), mà là TRỞ NÊN (become) một. Và động từ TRỞ NÊN  đã cung cấp một cách nhìn rất khác về hôn nhân.

 

          Động từ “TRỞ NÊN” diễn tả một quá trình, một hoạt động chứ không phải ở tình trạng tĩnh. Như thế, không phải cứ nói lời giao ước kết hôn xong, và sau đêm tân hôn, hai người đã nên một hoàn toàn. Nhưng ngày kết hôn mới là khởi điểm cho một cuộc hành trình, để mỗi ngày đôi vợ chồng nên một với nhau nhiều hơn : nên một trong tâm tư tình cảm, nên một trong ý hướng đời sống, nên một trong trách nhiệm gia đình, nên một trong cảm thức đức tin… Một cuộc hành trình dài. Thật dài. Suốt cả cuộc đời.

 

III. HÔN NHÂN MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH.

 

          Ta có thể gọi hôn nhân là một cuộc hành trình của cuộc sống lứa đôi. Khi nói tới hành trình thì người ta nghĩ ngay đến việc di chuyển từ điểm này sang điểm khác, từ nơi này sang nơi khác để đi tới đích. Bao lâu người ta còn trên đường hành trình thì người ta chưa tới đích. Vậy nếu hôn nhân là một cuộc hành trình thì người ta còn phải đi mãi, bởi vì hôn nhân chưa hoàn toàn và hôn nhân chỉ là khởi điểm của cuộc hành trình, một cuộc hành trình dài dài.

 

          1. Hôn nhân chưa vẹn toàn.

 

          Hôn nhân là một cuộc kết hợp khăng khít giữa người nam và người nữ. Hôn nhân là cuộc đời “hai trong một”. Nhưng ai dám nói là vợ chồng đã có một cuộc kết hợp nên một hoàn toàn như sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh ?

 

          Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 trong tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã nhấn mạnh như sau :”Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh của Ngài, qua dấu chỉ bí tích (Familiaris Consortio, số 13).

 

          Bên cạnh đó, HĐGMVN qua thư mục vụ năm 2002 về Thánh hóa gia đình cũng đã chỉ rõ :”Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa : Yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vi”(TMV 2002,6).

 

          Chưa ai có cuộc hôn nhân toàn vẹn mà còn phải kiện toàn, mỗi ngày phải làm cho vững chắc và phong phú hơn. Có người mừng lễ bạc, lễ vàng hôn nhân mà vẫn chưa sống đời hôn nhân cho đầy đủ. Họ còn phải nỗ lực hoàn hảo hóa hôn nhân vì hôn nhân luôn ở thể động, ở thế chuyển dịch, chứ không ở thể tĩnh.

 

          2. Hôn nhân là khởi điểm.

 

          Ý thức rằng hôn nhân mới là khởi đầu cho một chuyến đi xa, ta sẽ không ngỡ ngàng và thất vọng  khi khám phá mình và người bạn đời tuy đã nên một nhưng vẫn cứ là hai trong quan điểm, trong cách sống, trong công việc… Không ngỡ ngàng và thất vọng, nhưng bình tĩnh và kiên tâm  tháo gỡ những khó khăn dị biệt.

          Người ta thường nói :”Vợ chồng như đũa có đôi” để minh họa cho sự hiệp nhất, gắn bó, nương tựa giữa hai người bạn đời trong đời sống hôn nhân gia đình.. Và chúng ta cũng biết đến một câu thơ khá phổ biến, như một điệp khúc dễ thương :”Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Trước đây, vợ chồng thường hay xưng hô với nhau :”Mình ơi mình!...”, còn ngày nay, các bạn trẻ có một cách nói khác xem ra thi vị hơn, gợi cảm hơn, ví von hơn, để gọi người bạn đời của mình :”Một nửa của tôi ơi!”

 

          Quả vậy, đời sống hôn nhân mà các bạn trẻ đang bước vào được đánh dấu như một biến cố vĩ đại và một sự thay đổi quan trọng vào bậc nhất trong đời sống của hai người. Bởi vì, nhờ ơn huệ và hiệu lực kỳ diệu của bí tích hôn phối được cử hành hôm nay, hai bạn sẽ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”(x. Mt 19,6), và “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Điều đó có nghĩa là bắt đầu từ nay, hai người sẽ hiệp nhất trong tình yêu, trong cuộc sống nhờ giao ước hôn nhân Kitô giáo (Trần cao Khải).

 

          3. Hôn nhân là một cuộc hành trình dài.

 

          Ý thức rằng hôn nhân là một cuộc hành trình dài sẽ thúc đẩy người ta  ĐI TỚI và ĐI MÃI. Ngỡ tưởng rằng cứ lấy nhau là hoàn toàn nên một để tạo cho người ta tâm lý dừng chân hưởng thụ.

Đang khi đó, nói như cha RUY MERMET :”Hôn nhân không phải là món tiền bỏ vào ngân hàng và mỗi tháng cứ đến lãnh tiền lời, nhưng hôn nhân là kiến trúc cần xây dựng mỗi ngày”.

 

          Cố vấn hôn nhân Allan Peterson nói :”Sự thật LÀ HÔN NHÂN LÚC ĐẦU LÀ MỘT CÁI HỘP RỖNG. Bạn phải bỏ vào một cái gì đó trước khi bạn có thể lấy ra một cái gì khác… Đôi hôn nhân phải học gnhệ thuật yêu và hình thành thói quen trao tặng cho nhau, phục vụ nhau, ngợi khen nhau để giữ cho cái hộp được đầy. Nếu bạn lấy ra nhiều hơn bạn bỏ vào, cái hộp sẽ rỗng không. Không thể có người bỏ vào còn người kia thì lại vun quén. Hôn nhân là công việc mà cả hai người cùng thực hiện. Phải có hai người mới nhảy được điệu tăng-gô”.

 

                                      Truyện : cùng chết cả gia đình.

          Người ta kể rằng : trong một trận lụt, cả gia đình cùng tìm lối thoát chết. Họ cột chặt vào nhau, để khi sống, sống với nhau, để khi tìm đường sống trong dòng nước khỏi lìa nhau, và có chết thì cũng cùng chết với nhau.

          Đau   đớn thay, người ta đã vớt được xác  cả gia đình gồm 8 người.

          Có kẻ cho rằng 8 người ấy cột chặt vào nhau để khỏi trôi ai khi chạy lụt. Có kẻ lại cho rằng, họ cột vào nhau như thế để người ta dễ vớt xác họ hơn. Có người cho rằng  họ muốn cùng sống cùng chết với nhau…

          Tuy vì gì đi nữa, gương sống và gương chết của họ là biểu chứng hùng hồn của tình yêu gia đình, của quan niệm gia đình trong lòng dân Việt, nét tinh hoa văn hóa của dân tộc chúng ta.

 

          KẾT LUẬN.

 

          Khi chấp nhận sống ơn gọi hôn nhân theo thánh ý Thiên Chúa, các bạn trẻ sẽ phải phấn đấu không ngừng và nỗ lực bền bỉ trong việc hoàn thiện sự hiệp thông tình yêu, nhờ đó hai người hiệp nhất nên một và trởû nên dấu chỉ sống động về tình yêu hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây được coi là ơn gọi căn bản, nền tảng đối với những ai  muốn sống và trung thành  với giao ước hôn nhân Kitô hữu của mình.

 

          Trong hôn nhân Kitô giáo, sự kiện “hai người nên một” đã diễn tả ý nghĩa sâu xa của thực tại hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, như Tông huấn vễ những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã khẳng định :”Thiên Chúa là Tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông giữa các Ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người, và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chua ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người” (Familiaris consortio, số 11).

 

                                                                            

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

 

         


Về trang Mục Lục